Hướng dẫn cách chọn một cây mai đẹp

Chọn một cây mai đẹp để trồng làm kiểng, hay chọn một cây mai đang trổ bông để chưng trong dịp Tết Nguyên đán, chắc chắn ai cũng muốn lựa được một cây mai đẹp, điều tưởng giản đơn này thật ra lại là điều khó, vì mai mỗi cây mỗi vẻ, có thể ưu điểm ở phần này lại có khuyết điểm ở phần kia. Hơn nữa, giữa chợ mai, hay vườn mai rộng như một rừng mai, nếu không cân nhắc, nếu không biết cách chọn lựa ta cũng dễ bị… phân tâm, lắm khi chọn mãi lại mua lầm cây mai không vừa ý.

Hướng dẫn cách chọn một cây mai đẹp

Để chọn được cây mai vừa ý, lại vừa khả năng chi tiêu của mình, trước hết ta nên có những quyết định sơ khỏi:

  • Nên chọn mai cỡ tuổi nào: mai tơ, vài ba năm tuổi hay mai già mươi lăm năm trở lên…
  • Nên chọn mai cao? mai ghép( còn gọi là mai lùn)? Hay mai bonsai?
  • Số tiền phải bỏ ra tối đa là bao nhiêu?

Trong ba điều nêu lên đó, hai phần trên là chính nhưng lại là phụ, vì sự tốt xấu của một gốc mai còn tùy thuộc vào giá cả cao hay thấp; vì vậy điều thứ ba lại là điều chính phải lo toan, phải bàn đến trước tiên.

Thói thường, mọi vật trên đời đều có cái giá riêng của nó. Tiền nào của nấy. Tiền ít làm sao mua được của hảo hạng mà dùng? Trong khi đó thì “Người mua lầm, người bán không lầm’’, đó là điều ai cũng thừa biết cả.

Dù biết vậy, nhưng nếu biết được cách mua, biết được cách chọn hàng, vẫn là một điều cần…

Chọn mai trồng làm kiểng

Để có cây mai đẹp mà trồng, chọn mai, một là ta nên tự tin vào sự hiểu biết của mình, nếu không thì phải hỏi kiến của những “tay chơi” có nhiều kinh nghiệm hơn mình, như vậy mới mong tránh được sự lầm lẫn. Cả tin vào người bán, nếu không là chỗ thân quen, thì đó là… chuyện may rủi.

Mai làm kiểng dù là mai còn ở ngoài vườn hay đã được bứng trồng vào chậu, cách chọn lựa cũng không có gì khác nhau. Có điều khi cây đã được bứng trồng trong chậu thì mua tháng nào trong năm cũng được, nhưng với cây còn nằm trên liếp thì nên mua vào mùa mưa để khi bứng lên cây khỏi mất sức.

Để chọn được cây mai đẹp ta nên tiến hành những bước sau đây:

Chọn dáng:

Trước hết ta phải có cái nhìn tổng quát về cây mai mà ta ưng ý để xem hình dáng của cây có khiếm khuyết nào hay không? Dáng cây có đẹp không? Tán lá có đều đặn không? Cây có tươi tốt không?

Sau sự quan sát tổng quát đó, ta mới đi dần vào từng chi tiết một. Mọi việc nên tiến hành cẩn thận, tỉ mỉ; không nên dễ dãi với chính mình, mà nên khắt khe với sự lựa chọn mới hy vọng tránh được sự lầm lẫn đáng tiếc.

Chọn thân:

Nếu là cây mai trẻ, mai tơ thì phần thân cây phải tròn trịa, cứng cáp, vỏ không bị bong tróc, giập nát dù chỉ một vài chỗ. Thân không bị khuyết tật, nếu có những chỗ u nần lồi lõm ở phần gốc do tự nhiên mà có nhưng hợp với sự thẩm mỹ lại là điều hay. Thân cây mọc ngay thẳng, nếu có vặn vẹo một đôi chỗ mà có thẩm mỹ cũng chấp nhận được, cần chú ý thân phải to (nhất là đoạn gốc) hơn cành gấp vài ba lần mới tạo được thế “đồng thanh đồng thủ”.

Nếu là cây mai già thì khi chọn thân phải chú ý nhiều về khúc gốc. Đa số mai già đều đã được uốn tỉa để hợp với dáng cổ thụ. Cây mai già phải mang hình dáng như một ông lão cao niên: lưng còng, khi đi hay đứng thân như ngã chúi về phía trước, gốc phải to, lại sần sùi có vẻ nặng trịch muốn chôn chân tại chỗ. Thân cây hơi cong và khúc khuỷu mới gọi là đẹp. Nếu ở gốc, ở thân rải rác, nổi lên vài u nần, cạnh đó là những hốc lõm sâu vào thân gỗ, như nói lên chứng tích tàn phá khắc nghiệt của thời gian lại là một điều hay.

Xem thêm :  Cách nấu mì quảng đơn giản, ngon, chính gốc miền trung

Đã là mai già thì thân của mai ghép (mai lùn) hay mai bonsai cũng nên mang dáng dấp đó, vì đó là hiện thân của tuổi tác, của sự trường thọ.

Chọn cành:

Cành mai góp phần tạo sự thanh tú cho cây mai, do đó việc chọn cành nói riêng và tán lá nổi chung là việc phải chọn lựa cẩn thận. Thường cây tốt thì cành lá xum xuê. Ta nên chọn cây có cành ngay thẳng, không cong queo, không gãy gập. Với cành có sức vươn ra dài thì cứ mặc nó vươn ra; không nên bẻ gãy phần ngọn làm xấu cây. Cành phải được bố trí linh động, dàn tỏa đều như vậy mới tạo được bộ tán đẹp. Những cây mai có một đôi cành bị chết khô không nên chọn, vì cây ấy có thể bị sâu đục thân tấn công. Cây đã bị loại sâu này xâm nhập rất khó chữa trị. Nay sâu đã đục cành, mai đây có thể đục qua thân… dù cây lâu năm cũng dễ bị chết đứng. Nói cách khác, những cây có dấu hiệu bị sâu rầy tấn công, nhắm sức chữa trị được thì chọn mua, nhất là đó là cây mình quá ưng ý. Nếu ngược lại, thì xin đừng rước hoạ vào thân…

Chọn mai chưng ngày Tết

Ở miền Nam, hoa mai nở vào dịp Tết. Từ thuở xa xưa, hoa mai đã là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn, hy vọng trước thềm năm mới của mọi gia đình.

Màu vàng của hoa mai tượng trưng cho sự thịnh vượng, sự làm ăn phát đạt. Nét tươi tắn của sắc hoa là biểu hiện của sự hạnh phúc, của niềm hy vọng tràn đầy đối với mọi người…

Chính vì lẽ đó, nên từ những ngày đầu tháng Chạp, khi mọi nhà bắt đầu lo chuẩn bị để đón mừng năm mới sắp đến, thì đồng thời người ta cũng nghĩ đến việc… chọn mai chưng Tết.

Mai chưng Tết, tùy theo hoàn cảnh của mỗi nhà, có thể chỉ là mai cành, có thể là mai chậu, hoặc cả hai thứ…

Mai cành để cắm vào lộc bình chưng lên bàn thờ để cúng tổ tiên. Mai chậu để chưng trong phòng khách trọn ba ngày Tết, làm đẹp nhà cửa và theo tín ngưỡng của dân gian là để đón cái “hên”, tức sự may mắn của năm mới.

Trên những cành mai, chủ nhân còn có thể treo năm ba chiếc thiệp mừng Xuân, hay những chiếc phong bao nho nhỏ màu hồng để tượng trưng cho phúc lộc…

Khách đến chúc Tết gia đình, những người thấy cây mai đẹp, cho đó là cái duyên may đầu năm của mình. Ngày Tết, gần như tỉnh thành nào trong nước cũng tổ chức chợ Hoa Xuân. Tại Nam Bộ, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, các chợ hoa tuy có muôn hình nghìn vẻ nhưng những gian hàng mai bao giờ cũng đông khách nhất.

Chọn mai cành

Mai cành là những nhánh mai được cắt ra từ những cây mai lớn trong vườn đem ra bán lẻ vào dịp Tết. Có thể đây là phần ngọn của những cây mai mới trổ hoa được vài mùa, dịp Tết nhà vườn cưa ra để bán, giữ lại phần gốc cho đâm tược để lấy nhánh bán vào Tết sau… Đây cũng là cách làm ăn đã có từ lâu đời của đa số nhà vườn trồng mai chuyên nghiệp.

Mai cành vừa cắt rời ra khỏi cây mai mẹ là đem ra chợ Tết bán ngay để giữ được độ tươi tắn. Một khi cành mai đã có dấu hiệu héo úa, các chùm hoa muốn rủ xuống thì… bán rẻ như biếu cũng không ai mua.

Mai cành chỉ xuất hiện ồ chợ Tết sớm lắm là từ 23 tháng Chạp trở đi, tức là vào tuần lễ cuối cùng của năm cũ. Thế nhưng, những ngày đầu này nhà vườn chỉ bán ra một số lượng ít, càng cận Tết thì họ càng tung ra số lượng nhiều, vì nhu cầu của người tiêu thụ lúc này mới đông.

Xem thêm :  Sinh viên đại học văn hóa hà nội

Mua mai cành chưng Tết không nên mua sớm, mà nên mua vào những ngày cận Tết, từ 28 – 29 Tết để cành mai được tươi và giữ được độ tươi này suốt ba ngày Tết.

Như vậy mua mai phải chọn cành thật tươi, nhìn những chiếc lá non nhỏ xíu ở đầu cành chưa có dấu hiệu héo úa là được. Nên chọn những cành cứng cáp, không gãy gập, trên đó đơm nhiều chùm hoa thật tươi mới tốt.

Điều quan trọng khi đi mua hoa mai chưng Tết, dù là mai cành hay mai cây (mai chậu), đòi hỏi người mua phải có kinh nghiệm trong việc đánh giá chính xác là hoa trên cành, trên cây đó sẽ nở đúng vào ngày nào rồi mới chọn mua. Vì theo ước muốn của mọi người là hoa mai chưngTết phải bắt đầu nở lai rai từ đêm giao thừa cho đến hết ngày mồng ba, mồng bốn Tết mới tốt… Do đó, khi mua mai chưng Tết ta phải tính toán thật kỹ sao cho ngày hoa nở trùng khớp với khoảng thời gian đó. Vì vậy, nếu trước đó mươi ngày mà trên cành hoa mai đã to búp, đã bung vỏ lụa thì cành đó, cây đó bán rẻ cũng không mua, vì hoa sẽ nở sớm. Ngược lại, chỉ còn đôi ngày nữa đến Tết, mà trên cành hoa mai còn nhỏ búp, chưa bung vỏ lụa thì hoa đó còn lâu mới nở, bán rẻ cũng không ham…

Nên nhớ điều này làm chuẩn, một khi hoa mai đã bung vỏ lụa thì chỉ bảy, tám ngày sau hoa đã bắt đầu nỏ rồi…

Chọn được cành mai vừa ý rồi, ta nên đem về nhà ngay. Việc trước tiên là thui sơ phần gốc cành vào lửa để mạch nhựa bị bít lại, không chảy ra ngoài được nữa sẽ giúp cây tươi lâu ngày. Ngay sau đó cắm cành vào lộc bình có chứa nưốc và nước này mỗi ngày nên thay một lần. Theo kinh nghiệm dân gian, nước trong lộc bình nên hòa một viên thuốc Aspirine, giúp cành hoa được tươi lâu ngày hơn.

Chọn mai cây

Mai cây là cây mai đã được bứng ra trồng trong chậu, hoặc mới bứng với bầu đất to để người mua đem về trồng (trồng xuống đất hay trồng vào chậu) theo ý muốn của mình.

Chọn mai cây để chưng ba ngày Tết, trước hết phải chú trọng đến phẩm chất hoa sẵn có trên cây ra sao, sau đó mới chọn đến giá trị của cây tốt xấu ra sao và đó là mai gì? Cao? Ghép ? Bonsai?

Phẩm chất hoa:

Giá trị cây mai chưng trong ba ngày Tết thì hoa đẹp mới là quan trọng, còn giá trị của cây tốt xấu ra sao được coi là chuyện thứ yếu. Tất nhiên nếu xét đến giá trị tổng thể thì hai phần này phải bổ khuyết cho nhau mới được.

Hoa gọi là tốt không những cành nào cũng sai hoa, mà còn là hoa lớn cánh, nhiều cánh (hoa lạ) và lại nở vào đúng dịp Tết là chuyện đáng mừng. Nếu đó lại là hoa đẹp 12 cánh, 24 cánh trở lên, hoặc được ghép với nhiều màu hoa khác như trắng, đỏ, xanh… vốn hiếm, lạ, lại đáng mừng hơn.

Chọn thân cây

Trước khi chọn cây tốt xấu ra sao để mua, thường nhiều người quên mất một việc là nên tìm hiểu xem cây mai đó có sống lâu được hay không? Bằng chứng cho thấy nhiều người mới mua cây mai hôm trước thì hôm sau hoa và cành đều héo rũ. Vì rằng, dịp Tết nhà vườn đều bứng mai để bán, lớp cho vào chậu kiểng, lớp dùng bẹ chuối hay mo cau bó chặt bầu đất để vội vã đem ra chợ bán. Cây mai tuy dễ sống, những nếu khi bứng ra khỏi liếp lỡ làm bể bầu, lại không tưới nước đúng mức… thì cây đó dễ chết.

Vì vậy, khi chọn mai, ta phải quan sát các bộ phận thân, cành, hoa có thật sự tươi tắn hay không. Nếu mai đã vô chậu thì quan sát lớp đất mặt trong chậu là đất mói hay đất đã cũ. Có thể quan sát số cỏ dại mọc trong chậu là thứ đã mọc lâu ngày hoặc mới được trồng để hòng… “che mắt thánh”? Nên bí mật lắc nhẹ gốc mai xem có giễ chặt với khối đất trong chậu hay không?

Xem thêm :  Nguồn gốc, ý nghĩa và cách trang trí quả bí ngô halloween – halotravel

Với cây trong bầu, nếu cái bầu khá to mà vẫn lấp ló có nhiều đầu ngọn rễ bàng bắn ra ngoài và cây vẫn tươi tốt thì hy vọng cây đó sống được.

Dù mua cây mai chỉ cần chưng trong ba ngày Tết hay sau đó để trồng làm kiểng “chơi” dài dài vào những Tết sau, ta cũng nên chọn những cây có khả năng sống được lâu mới tốt. Những cây đã được bứng trồng trong chậu kiểng lâu ngày có khả năng sống nhiều hơn những cây mới bứng.

Cách chọn gốc, chọn cành, chọn cây tơ hay cây lão niên ra sao thì như phần trên chúng tôi đã đề cập kỹ rồi. Hơn nữa, việc cây to nhỏ, tốt xấu ra sao thì nó đã có cái giá cửa nó và ta thì phải… tùy vào túi tiền nặng nhẹ của ta mà mua sắm…

Tất nhiên, nếu chỉ mua cây mai chưng trong ba ngày Tết, sau đó bỏ đi thì nên chọn những cây có hoa nhiều, hoa tốt mà mua, còn phần thân của nó xấu xí ra sao cũng được. Mai như vậy thì rẻ tiền, coi như chỉ mua phần hoa mà thôi.

Ngược lại, nếu chọn những cây tốt toàn diện từ hoa đến thân để còn làm cây kiểng sau này thì nên chọn những cây đạt những tiêu chuẩn tốt mà mua. Nhiều khi gặp cây mai “Thế’ quá đẹp, phần hoa có kém sút đi nữa cũng được lắm người mê. Những cây như vậy tất phải có giá cao.

Với cây mai ghép:

Cây mai ghép, còn gọi là mai lùn do có thân thấp, mấy năm gần đây được nhiều người thích chơi. Mai ghép là dùng gốc mai làm gốc ghép sau đó ghép cành hay ghép mắt của những cây mai quý khác vào (phần thân của cây gốc ghép bị cắt bỏ để gốc nuôi chồi mới), như vậy cây sẽ có nhiều hoa lạ, nào vàng, nào trắng, nào đỏ… trông rất lạ mắt.

Người mua thích cây nào thì mua cây đó (cần quan sát kỹ xem cây được ghép với những sắc hoa gì, có hợp ý với mình hay không?…) và vì quý, hiếm nên loại mai này thường có giá cao. Mua mai ghép không ai dùng một năm mà để làm cây kiểng chơi tiếp vào những Tết sau.

Với cây mai bonsai:

Bonsai là cây kiểng nhỏ trồng trong chậu, mang phong cách đặc thù của nước Nhật, nhưng ngày nay thì cả thế giới đều ưa chuộng. Mai bonsai là cây mai nhỏ nhưng có thể đã sống lâu năm, được uốn tỉa với những thế đẹp, lại mang dáng dấp của một cây cổ thụ sống ngoài sương gió khắc khổ lâu năm. Cây mai bonsai có nét đẹp riêng của nó.

Do cây nhỏ, gọn nên số bông không nhiều và cũng không chuộng nhiều, chỉ điểm xuyết chừng mươi lăm đóa cũng được.

Bonsai được chưng lên bàn salon, hay một nơi nào dễ thấy trong phòng khách cũng làm tăng thêm vẻ mỹ quan, sự sang trọng… Tuy nhiên, trong phòng khách ba ngày Tết mà chỉ chưng mai bonsai e rằng… không được nổi bật, nên kèm theo cây mai ghép hay mai cao thì tốt hơn.

Tóm lại, Tết là dịp để mọi người, mọi nhà mua sắm và người ta xài tiền một cách hào phóng. Người mua mai là để mua lấy cái hên, cái may mắn cho mình, cho gia đình mình trong suốt một năm mới, nên hễ gặp cây mai vừa ý thì dù có đắt cũng không ai ngại tốn tiền. Do có sẵn sự tin tưởng như vậy, nên ngày Tết mà gặp cây mai xấu, nhất là hoa lại nở không trùng với ngày Tết thiêng liêng thì dù có bán với giá rẻ mạt cũng không có người mua.

Những cây mai đẹp bày bán trên đường Thành Thái TPHCM

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tin tức
Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tin tức Tại Website Pkmacbook.com